Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Toạ đàm “Hiếu hoà”

“Xây dựng tương quan hiếu hoà” là chủ đề buổi toạ đàm diễn ra lúc 08 giờ 30 ngày 22/11/2014, tại Trung tâm Mục vụ (TTMV) Tổng Giáo phận TPHCM (TGP), do Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình trực thuộc Uỷ Ban Công Lý và Hoà Bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBCLHB) phối hợp cùng TTMV TGP tổ chức.
Đến tham dự có Đức Giám mục Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp – chủ tịch UBCLHB, quý cha, quý tu sĩ, đại diện Hội đồng Mục vụ các giáo xứ, các giới  thuộc TGP.
Khởi đầu buổi toạ đàm, Đức Cha Phaolô đã nêu lên bản chất của con người Việt nam là hiếu hoà, “dĩ hoà vi quý” là châm ngôn sống của đồng bào ta, tác phẩm “Người Việt cao quý” đã nói lên cái đẹp và sự hiền hoà của người Việt nam. Thế mà trong thời gian gần đây, qua sách báo và trên phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa ra những hình ảnh khác của con người Việt Nam: gian dối, vô trật tự, vô kỷ luật, ích kỷ, bạo động, bất nhân đến nỗi có người gọi những hiện tượng này là người Việt dữ tợn, dễ ghét, xấu xí. Có thể nói xã hội ta ngày càng bất an, bạo lực tràn lan, nhiều vụ án mạng hay bạo hành xảy ra do những nguyên nhân “lãng nhách”. Những kẻ gây ra bạo lực từ nhiều thành phần, tuổi tác khác nhau, thậm chí ngay cả quan chức nhà nước cũng góp phần.
Đức Cha gợi lên đâu là nguyên nhân mà chưa có lời giải, có người đổ tội cho là do giáo dục, do gia đình, do cả giáo dục và gia đình, do hậu quả của xã hội xuống cấp, do cơ chế lấy bạo lực làm động lực.
Để tiếp nối sự gợi ý của Đức Cha, các thính giả lần lượt được nghe
(1) Nữ tu TS trần Thị Giồng, Dòng Đức bà đã cụ thể hoá hơn bằng trình bày “Tình trạng bạo lực trong xã hội ngày nay”, có hình ảnh minh hoạ.
Nữ tu đã diễn giải “bạo lực gia đình” là một hiện tượng khá phổ biến ở phụ nữ và trẻ em, cũng xảy ra ở người nam vào khoảng 10% số vụ bạo lực, với người lớn tuổi, nồi da xáo thịt. Một trong những lý do chính gây bạo lực gia đình là “ghen , tiền”. Bạo lực tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở Việt Nam có làng đánh vợ, nhưng cũng có tình trạng bạo hành ngược (nữ gây bạo hành với người nam và người nam cam chịu). Trẻ con khi chứng kiến bạo lực cũng là nhận bạo lực.
Một hiện tượng đáng báo động là trẻ em gây ra bạo lực.
Các hình thức của bạo lực, nữ tu chia ra làm 04 nhóm bạo lực: tinh thần (chiếm tỷ lệ cao nhất), thân xác (rất dễ thấy), kinh tế, tình dục. Ngoài ra, còn có bạo lực thời @ bằng dùng Internet để hành hạ lẫn nhau, hội “kinh dị” … Có 1001 lý do gây bạo lực mà nguyên nhân rất vô duyên, lãng xẹt.
Thử tìm nguyên nhân, phải chăng đó là vấn đề đạo đức.
Ngược lại với bạo lực, ở Việt Nam lại có làng thương vợ (Xã Thuỷ Vân, Huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên Huế), ở làng này phụ nữ rất sướng.
Ước mong ở Việt Nam có nhiều làng như thế, mọi người là anh em cùng một Cha chung yêu dấu.
Nữ tu nói đến bạo lực học đường, nó xảy ra trong môi trường giáo dục, có thể do: vì thành tích; giáo viên bị áp lực từ phía: phụ huynh, thành tích, ban giám hiệu, và lương tâm; nữ sinh vùng lên; luật rừng trong ký túc xá. Bạo lực nhuộm đen tuổi thơ và tuổi học trò. Khi gia đình và trường học không còn là nơi để chia sẻ, lắng nghe và tôn trọng, các em bám víu vào đâu? “Xin cha mẹ thầy cô giúp chúng con lớn lên thật sự.”
Nữ tu còn giới thiệu một sự đối thoại ở thiên đường về bạo lực ở trẻ em, với hình ảnh minh hoạ, phỏng vấn và trả lời, đã làm cho tham dự viên hiểu thêm về những lý do và hình thức bạo lực ở trẻ em thật cảm động và nhức nhối. Ứớc mơ: “Cô ơi, con muốn xuống trần lần nữa, nhưng con sợ … con thèm lắm vòng tay ấm của mẹ, một mái ấm gia đình, xin tất cả giúp con.”
Để kết thúc, nữ tu đã mượn 04 nguyên tắc của Đức Thánh Cha Phanxicô để giải quyết các sự kiện, đặc biệt xung đột, mâu thuẫn và bạo lực: Thời gian lớn hơn không gian, nên cần kiên nhẫn. Hiệp nhất lớn hơn xung đột, nên cố gắng tìm những điểm chung. Thực tế lớn hơn ý tưởng, nên cần nhìn vào thực tế toàn thể lớn hơn từng phần, nên cần đặt thiện ích chung lên trên hết mọi sự.
(2) Tiếp theo, nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ nguyên nhân tội ác tràn lan hiện nay. Trước hết, ông cho rằng con người Việt Nam trở nên bạo lực như hiện nay là một thay đổi đột biến. Nguyên nhân cơ bản, sâu xa là “dùng cái ác để tiêu diệt cái ác”, làm nhiễm độc cái thiện, như thế là cực kỳ nguy hiểm, làm cho người Việt Nam bị nhiễm độc, con người đang bị tàn phá. Tính chất của bạo lực: ngày càng dã man, tàn bạo, thản nhiên, trở nên tầm thường nên thật đáng sợ. Bạo lực tiêu diệt trí tưởng tượng của con người, làm cho tội ác không bị trừng phạt trong lương tâm.
(3) Sau đó, linh mục Giuse Maria Lê Quốc thăng – Tổng thư ký UBCLHB đề nghị chúng ta “Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng bạo lực ngày hôm nay”. Đây là một vấn đề rất khó khăn. Đầu tiên, Cha đã gợi lại một vài nét đặc trưng của con người Việt Nam trong 4000 năm văn hiến: Truyền thống dân tộc Việt Nam là hiếu hoà. Ngài đã dùng nhiều câu tục ngữ ca dao Việt Nam để minh chứng, con người được đào tạo dựa trên nền tảng chữ “Nhân” trong “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, gọi là đạo làm người, ai không có chữ nhân là kẻ độc ác.
Ngoài ra, Đạo lý Công giáo mời gọi xây dựng mối tương quan giữa con người với nhau dựa trên “Tình yêu thương”, vì tin vào Thiên Chúa là tình yêu, được thể hiện cụ thể nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
Qua đó, Cha đưa ra một vài phương thế lâu dài: Đổi mới nền giáo dục, đào tạo con người phát triển toàn diện, nên người thật sự, dựa vào lòng “nhân” làm nền tảng. Xây dựng xã hội pháp trị thật sự, giải quyết mọi xung đột dựa trên pháp luật thực sự. Thừa nhận và đón nhận vai trò các tôn giáo trong xây dựng một xã hội hiếu hoà.
Ngài cũng đề nghị một vài phương thế trước mắt: Phải có sự quyết tâm đồng lòng của mọi gia đình, mọi tôn giáo, và ngay cả chính quyền phải có nhận thức chung: bạo lực là tội ác, nên phải xây dựng  nếp sống hiếu hoà và được khởi đi từ gia đình. Tha thứ và hoà giải. Cầu nguyện.
(3) Luật sư Nguyễn Ngọc Bích bổ sung thêm về nguyên nhân gây ra bạo lực là “bản năng”. Đặc tính của bản năng: được tôn vinh về mặt tinh thần, đầy đủ về mặt vật chất, và hơn người. Ta gọi bản năng là lợi ích cá nhân. Sống dưới sự hướng dẫn của bản năng sẽ dẫn tới đạo đức suy đồi, bạo lực tràn lan. Qua đó, Luật sư gợi ý dẹp bớt lợi ích cá nhân, củng cố đạo đức công giáo bằng chính cuộc sống của mình.
(4) Bác sĩ Thanh bổ sung thêm: mình đang sống dưới hậu quả của cha ông chúng ta để lại, có yếu tố di truyền, chưa có nghiên cứu về hậu quả của chiến tranh Việt Nam ảnh hưởng đến con người Việt Nam, người gây bạo lực cũng là nạn nhân – làm theo bản năng – không ý thức được hậu quả, trẻ em bị bạo lực ngay từ trong bào thai, cha mẹ ép sinh ra đời sớm hơn, sống xa gia đình khi mới chào đời, giáo dục trẻ em cách sai lầm.
(5) Cha Trần Tam Tỉnh, USA bổ sung thêm “Hoà hiếu trong Giáo Hội của chúng ta” bằng câu chuyện một phụ nữ được phong thánh và là Tiến sĩ Hội Thánh.
(6) Luật sự Vượng, đến từ Pháp bổ sung thêm bạo lực xẩy ra trong cốt lõi là quyền lực. Quyền lực sẽ làm hỏng con người. Lịch sử chứng mình: kẻ mạnh thắng. Thuyết Bất bạo động do Ganldi đề xướng: nói không với quyền lực ở trên mình do không chính nghĩa: Tôi không chấp nhận các anh, tôi không hợp tác với các anh. Để chống bạo lực, mỗi người chúng ta phải đặt mình vào cương vị: tôi phải làm cuộc cách mạng này. Thí dụ: Trong vấn đề giao thông, để thể hiện mình là người Việt Nam văn minh, mình cần thực hiện: đến đèn đỏ dừng lại, không chạy xe trên lề, nhường đường cho người đi bộ.
(7) Thầy giáo Nguyễn Khánh Trung chia sẻ về sự khác nhau giữa nền giáo dục của Việt Nam và Phần Lan, giáo dục gia đình giữa Pháp và Việt Nam. Qua đó, thầy kết luận: vai trò của tôn giáo rất quan trọng.
Trước khi Kết thúc, Cha Giám đốc TTMV TGP Phêrô Nguyễn Văn Hiền đúc kết: chính cuộc khủng hoảng giá trị ngay trong gia đình và môi trường đã thúc đẩy chúng ta sống theo bản năng, chỉ nghĩ đến bản thân mà thôi. Vấn đề chúng ta bàn rất lớn, rộng, sâu không phải để lên án ai, phê bình ai, và cuối cùng kết luận lại là chính mỗi người chúng ta phải thức tỉnh, tôn trong lẫn nhau bằng hành vi rất cụ thể, như chuyện giao thông luật sư Vượng đề ra trong ngày hôm nay. Đó là yêu cầu của buổi toạ đàm hôm nay, để chúng ta trở về xây dựng cái hoà hiếu từ trong mỗi người chúng ta với việc rất nhỏ và đơn thường đó. Phải tôn trọng những khác biệt của nhau, chấp nhận nhau, để xây dựng hoà hiếu đó.
Buổi toạ đàm kết thúc vào lúc 11 giờ 45, mọi người ra về trong hoà hiếu, bình an.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét